Bệnh do Ký sinh trùng (KST) là một bệnh thường gặp và rất phổ biến hiện nay. Một số bệnh KST mà con người thường mắc phải như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim, giun chỉ, sán lá gan, sán dây, sán lá phổi hoặc ấu trùng sán lợn...
Ký sinh trùng thường có ở trái cây và rau sống, thức ăn nhanh, thực phẩm tái chưa chín hoặc các món ăn sống như gỏi, tiết canh, rau sống, các loại đồ ăn, thức uống chưa được đun sôi, nấu kỹ.
Ăn uống là con đường nhiễm KST phổ biến, KST có thể xâm nhập trực tiếp qua da, tiếp xúc trực tiếp hoặc ở một số vật nuôi cũng là một yếu tố gây ra một số bệnh ký sinh trùng nguy hiểm đối với cơ thể con người.
Ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể sẽ phát triển nhân lên và gây bệnh cho người. Bệnh lý xuất hiện do KST ký sinh chiếm chất dinh dưỡng của cơ thể người hoặc kí sinh lạc chỗ gây tổn thương các cơ quan, tổ chức trong cơ thể; các chất chuyển hóa của ký sinh trùng làm rối loạn chức năng, tổn thương cơ quan trong cơ thể.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, bệnh truyền qua thực phẩm do KST có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể phòng chống hiệu quả. Để phòng tránh nhiễm KST, nhất là qua xâm nhập qua thực phẩm, mọi người cần thực hiện:
- Vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh chất thải, rác thải; vệ sinh nhà ăn, nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm; vệ sinh cá nhân, vệ sinh bàn tay; Không dùng phân tươi bón rau, nuôi cá, lợn thả rông; diệt ruồi, nhặng, gián là những côn trùng reo rắc mầm bệnh.
Đồng thời, mọi người cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn gồm: chọn thực phẩm an toàn; nấu kỹ thức ăn; ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín; bảo quản thực phẩm cẩn thận khi đã nấu chín; đun kỹ thực phẩm trước khi ăn; không để lẫn thực phẩm sống và chín; luôn giữ tay sạch khi chế biến thực phẩm; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi sự xâm nhập của các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các loài động vật khác; sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.