image banner
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG TRẬN KINH BÙI (6/1953-6/2024)

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Sang năm 1953, sau thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hòa Bình (2-1952), Tây Bắc (12-1952) và Thượng Lào (5-1953), cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho quân và dân ta, bất lợi cho thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Đứng trước tình thế “lửa cháy hai đầu”, hoặc bị nhân dân Việt Nam và Đông Dương đánh bại hoặc bị Mỹ hất cẳng, thực dân Pháp kiên trì chính sách phản động và bảo thủ, chủ trương tranh thủ thêm viện trợ Mỹ, tập trung mọi nỗ lực đẩy mạnh chiến tranh, hòng tìm ra "lối thoát danh dự” bằng một thắng lợi quân sự quyết định.

Tại địa bàn Tân An (từ tháng 6 năm 1951, tỉnh Tân An, tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công sáp nhập lại thành lập tỉnh Mỹ Tho), các huyện Vàm Cỏ, Thủ Thừa, Mộc Hóa, do lực lượng Âu Phi được rút đi thành lập các đơn vị ứng chiến cơ động và chuyển ra chiến trường Bắc Bộ, địch tăng cường lực lượng ngụy binh, an ninh, dân vệ, tổ chức đóng đồn bót dày đặc.

Tỉnh ủy Mỹ Tho xác định: “Âm mưu của địch năm 1953 vẫn là tiếp tục cướp người, cướp của táo bạo hơn, tàn khốc hơn ở vùng địch hậu và phá hoại người, phá hoại của ở vùng căn cứ một cách thâm độc hơn. Muốn thực hiện được âm mưu ấy, địch sẽ ra sức càn quét để bình định vùng du kích và lấn chiếm căn cứ Đồng Tháp Mười. Do đó, chiến trường Mỹ Tho có tính chất cầm cự và giằng co quyết liệt: địch ra sức càn quét bao vây và lấn chiếm để bắt lính cướp của; ta nhất định phá bao vây, chống càn quét lấn chiếm để bảo vệ người, bảo tệ của, hạn chế bổ sung của địch và tiêu hao sinh lực địch”.

Tháng 4 năm 1953, đồng chí Trần Văn Trà - Tư lệnh Liên khu miền Đông, thay mặt Thường vụ Phân khu ủy đến tỉnh Mỹ Tho dành nhiều thời gian làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, với Ban Chỉ huy Tỉnh đội Mỹ Tho, sau đó làm việc với lãnh đạo từng huyện. Đồng chí thông báo tình hình chiến trường chung cả nước. Do thắng lợi của chiến trường chính, Pháp đã điều động hầu hết các đơn vị Âu, Phi ra phía Bắc, chiến trường Nam bộ chỉ còn các ngụy binh, an ninh, dân vệ. Đây là một thời cơ cho chiến trường Nam Bộ, thúc đẩy hoạt động vũ trang, vừa để kềm chân địch, vừa để mở rộng vùng giải phóng.

Để giữ vững vùng giải phóng phải xây dựng lực lượng du kích rộng rãi, Tiểu đoàn 309 được giao nhiệm vụ bung ra dùng du kích và chuẩn bị thọc sâu xuống vùng tạm chiếm. Tiếp thu ý kiến của Phân Liên khu uỷ miền Đông, của Tỉnh uỷ Mỹ Tho, các huyện ủy truyền đạt sự chỉ đạo này đến chi ủy và có nơi ra tận chi bộ. Qua chỉ đạo của Phân Liên khu uỷ miền Đông, lực lượng vũ trang như được thêm sức mạnh, ý thức chủ động tiến công tiêu diệt địch đã được khơi dậy nhằm chuẩn bị chống càn mùa khô 1953-1954.

II. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ TRẬN ĐÁNH

Đêm 22 rạng ngày 23-6-1953, trinh sát Tỉnh đội Mỹ Tho phối hợp với cơ sở phát hiện địch tập trung lực lượng ở đồn Thiên Hộ gồm các đơn vị: Tiểu đoàn 21 của Vĩnh Long, đại đội cơ vệ binh của Nam Việt Mỹ Tho – C.Commandos của Cái Bè, một số đơn vị Hòa Hảo, 1 pháo đội, 2 khẩu 105, Sở chỉ huy đặt tại bót Thiên Hộ. Mục đích cuộc hành quân là tiếp tục đánh phá vùng ruột Đồng Tháp Mười, đánh bạt cán bộ cơ sở và du kích, phá hoại kinh tế, gây bất ổn cho căn cứ, tạo điều kiện cho thành lập vành đai trắng phía bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp, chuẩn bị đối phó với mùa khô 1953 - 1954.

Về phía ta, cơ quan Tỉnh đội đóng ở Nhơn Hòa Lập, cơ quan Tiểu đoàn 309 và Đại đội 939 đóng ở Hậu Thạnh, Đại đội 941 (còn thiếu 1 trung đội) đóng ở kinh Bằng Lăng, giữa kinh Năm Ngàn và kinh Bảy Ngàn, trung đội bộ đội địa phương Cai Lậy đóng ở Tân Ninh, Nông trường Cai Lậy của Đại đội 941 được trang bị (tương đương 1 trung đội) bố trí ở kinh Bích, du kích 2 xã Tân Ninh, Nhơn Ninh mỗi nơi có 1 tiểu đội trang bị mìn, lựu đạn và súng bộ binh. Lệnh báo động được phát đi ngay trong đêm 22-6 cho cơ quan, đơn vị và thông báo cho nhân dân. Đồng bào ở các xã có chiến sự không còn nhiều, nhưng các đơn vị có trách nhiệm hướng dẫn đồng bào di tản, bảo vệ dự trữ, chôn cất lúa gạo, lùa trâu về hướng kinh Dương Văn Dương.

Ngày 23-6-1953, địch hành quân thận trọng. Từ sáng, bộ binh địch xuất phát từ bót Thiên Hộ, hành quân càn quét vùng Trại Lòn, kinh Năm Ngàn. Du kích tích cực bám sát đánh địch bằng mìn, lựu đạn và súng bộ binh, tiêu hao một số binh lính địch.

Ban Chấp hành Tỉnh đội đã gặp Ban Chấp hành Tiểu đoàn 309 và Ban Chấp hành bộ đội địa phương Cai Lậy bàn bạc và nhất trí. Đại đội 939 cử 1 trung đội, Đại đội 941 và địa phương quân Cai Lậy cử một bộ phận phối hợp với du kích các xã Tân Ninh, Nhơn Ninh. Đêm 23-6, lực lượng tác chiến của ta tích cực quấy rối, tiêu hao sinh lực, không cho địch nghỉ ngơi. Sáng ngày 24-6, khi địch tiếp tục hành quân, lực lượng vũ trang của ta bám đánh địch từ mọi phía, phía trước, phía sau, hai bên sườn, tiêu hao sinh lực, làm chậm tốc độ hành quân của địch, hạn chế thời gian hoạt động của phi pháo cũng như tính cơ động của lực lượng bộ binh. Tiểu đoàn 309 tăng cường chỉ đạo Nông trường Cai Lậy của Đại đội 941 kiên quyết bám trụ và chiến đấu. Tiểu đoàn 309 được tập trung ở khu vực đã chuẩn bị sẵn phối hợp với mọi lực lượng hiện có mặt tại chỗ: Bộ đội địa phương Cai Lậy và du kích các xã chờ địch đến thật gần mới nổ súng, ghìm toàn bộ đội hình địch, tạo điều kiện cho các cánh xung phong chia cắt, bao vây, tiêu diệt từng bộ phận địch.

Lực lượng địch hành quân từ Phụng Thới lên Kinh Bùi, một bộ phận nhỏ hành quân dọc 2 bờ kinh Năm Ngàn bằng ghe, xuồng bọn chúng lấy được của Nông trường Cai Lậy. Đại bộ phận địch hành quân ngoài đồng, cách bờ kinh Năm Ngàn khoảng 600 - 700 mét.

Du kích và lực lượng các đơn vị được phân công bám đánh địch. Từ điều tra nhóm tù binh ta vừa bắt được, phía ta nắm được địch phải hành quân ngoài đồng, thời tiết tháng 6 có nhiều mưa, sình lầy của Đồng Tháp đã làm địch mất sức, hành quân chậm, mỗi giờ chỉ còn 1,5 kilômet.

Theo phương án, khu vực tác chiến được ta lựa chọn ở ngã tư Bằng Lăng - Năm Ngàn. Tuy nhiên, tại đây lau sậy cao quá đầu người, tầm quan sát bị hạn chế, hỏa lực không thể sát thương nhiều sinh lực địch, bờ kinh lại không cao hơn tọa độ ngoài đồng. Ban Chấp hành Tiểu đoàn 309 quyết định chuyển mặt trận về ngã ba Kinh Bùi - Năm Ngàn, nhắc nhở bộ đội về ngụy trang, hành động khẩn trương, lực lượng nào đến trước bố trí trước, lực lượng di chuyển chậm sẽ hợp đồng theo tiếng súng. Khoảng 16 giờ toàn bộ lực lượng tác chiến đã đến vị trí quy định, đội hình được bố trí như sau:

Lấy Kinh Bùi nhìn về phía đông làm chuẩn, lấy kinh Năm Ngàn làm giới tuyến giữa các trung đội, trung đội A ở phía bắc kinh Năm Ngàn, kế đó là trung đội C và trung đội B của Đại đội 939 - cánh trung đội B/C.939 là một trung đội của Đại đội 941, trung đội địa phương quân Cai Lậy và du kích Tân Ninh nằm xen kẽ trong đội hình của trung đội A, trung đội C của Đại đội 939.

Khoảng 16 giờ ngày 25-6-1953[1], Đại đội 939 đợi địch đến thật gần mới nổ súng. Các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, xung phong dũng mãnh, chia cắt bao vây tiêu diệt từng bộ phận địch. Trung đội của Đại đội 940 đang dừng lại bên bờ kinh Kháng Chiến nhưng Đại đội 941 đã nổ súng như một mũi xuyên hông. Khí thế chiến đấu của quân ta hết sức quyết liệt, trong khi đó bộ binh địch vừa mệt mỏi về thể lực vừa yếu kém về tinh thần. Trận chiến đã diễn ra trong 40 phút, quan Ba Bền chỉ huy cánh quân sớm bị bắt, địch mất thông tin. Hoạt động phi pháo địch hầu như vô hiệu lực. Kết quả, Tiểu đoàn 309 cùng lực lượng vũ trang địa phương đã chặn đánh thắng lợi trận cản của địch gồm 800 tên bộ binh và 24 xe lội nước tại Kinh Bùi, đánh tan rã 2 đại đội địch, tiêu diệt hoàn toàn 01 đại đội, bắt sống 40 tên (trong đó có tên quan ba Bền chỉ huy cấp Tiểu đoàn), thu hơn 50 súng trường và súng máy[2]. Trong trận này, lực lượng cách mạng hy sinh 6 chiến sĩ, trong đó có 2 du kích của xã Tân Ninh.

Chiến thắng Kinh Bùi gây rúng động lớn đối với tình hình các vùng xung quanh, mở đầu thời kỳ phát triển mới ở Mỹ Tho và các tỉnh miền Trung Nam Bộ. Ba đại đội quân Hòa Hảo phản động đóng trong vùng kênh Nguyễn Văn Tiếp bỏ đồn bót trở về với kháng chiến. Tiếp đó, trong tháng 7-1953, quân và dân Mộc Hóa chặn đánh thắng lợi cuộc hành quân thị uy của địch vào Đồng Tháp Mười với lực lượng 3 Tiểu đoàn bộ binh kết hợp với xe cơ giới và tàu chiến. Du kích xã Thuỷ Đông gài nổ trên 100 trái đạp lôi tự tạo, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch. Du kích xã Tân Hòa bắn tỉa diệt hàng chục tên. Tại vùng du kích, bộ đội bung ra bám sát địa bàn, chiến đấu giằng co quyết liệt với địch, tổ chức nhiều trận chiến đấu phục kích, chống càn đạt hiệu quả cao. Du kích phối hợp với lực lượng của trên đánh tiêu diệt 3 bót ở vùng sát biên giới Campuchia, triệt hạ cứ điểm Ông Tờn, bức rút trên 10 đồn bót khác. Nhiều xã, du kích trở thành xã căn cứ. Tại vùng tạm bị chiếm, hoạt động vũ trang lan rộng. “Trong vòng không đầy 10 ngày trong dịp Tết, quân kháng chiến đã tiêu diệt và bức rút trên 160 đồn bót lớn nhỏ, thu gần 300 súng trường và súng máy, nhiều đạn dược quân trang quân dụng; làm tan rã trên 2.000 lính ngụy. Hầu hết các tổ chức hội tề gián điệp của giặc đều bị ta giải tán. Chính quyền cách mạng ở vùng tạm bị chiếm được củng cố vững mạnh. Đồng bào, bộ đội và đảng viên ăn một cái tết thắng lợi, phá được âm mưu của giặc bắt lính, cướp lúa, mở rộng được khu du kích vùng Gò Công, Chợ Gạo, Vàm Cỏ gồm 1.350km2 không có đồn bót”[3]. Tính chung, kết quả hoạt động quân sự trong năm 1953, quân và dân tỉnh Mỹ Tho đã chống càn ở căn cứ 109 trận, chống càn ở vùng du kích 44 trận, đánh đồn 29 trận, bao vây bức rút 39 đồn bót, đánh xe cơ giới 13 trận, vũ trang tuyên truyền 169 lượt; tiêu diệt 1.130 tên địch, làm bị thương 448 tên, bắt sống 189 tên, vận động đào ngũ 605 tên, giải tán 660 tề xã; thu được 341 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác[4].

III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ

Chiến thắng trận Kinh Bùi là sự lãnh đạo đúng đắn của Phân Liên khu uỷ miền Đông, sự chỉ đạo hoạt động đúng hướng của các cấp ủy Đảng ở Mỹ Tho và huyện Mộc Hoá. Sự tham gia tác chiến của các lực lượng vũ trang cấp tiểu đoàn, bộ đội địa phương và lực lượng du kích các xã.

Chiến thắng Kinh Bùi tháng 6 năm 1953 đến chiến cuộc mùa xuân năm 1954, địch bị ta tiêu diệt và đánh ta rã, nhiều đồn bót lớn nhỏ bị hạ và bức rút, hầu hết cơ sở tề và bảo an bị giải tán và lung lay tận gốc. Kết quả này làm cho chiến trường Mỹ Tho nói riêng và Nam bộ nói chung có chuyển mình qua một thế giằng co mới, ta có phản công và tấn công, địch bị động đối phó và sa sút.

Chiến thắng Kinh Bùi có đóng góp to lớn của nhân dân Đồng Tháp kiên trung với cách mạng, có truyền thống yêu nước, gắn bó máu thịt với Đảng trong quá trình đấu tranh cách mạng, đó là một trong những yếu tố quyết định tạo nên chiến thắng Kinh Bùi.

Chiến thắng Kinh Bùi thể hiện là tinh thần chiến đấu dũng cảm của các lực lượng vũ trang tinh nhuệ, Tiểu đoàn 309, bộ đội địa phương các huyện, lực lượng du kích, những người được Đảng và Bác Hồ xây dựng và rèn luyện trung thành vô hạn với cách mạng, gắn bó máu thịt với nhân dân, dũng cảm trong chiến đấu, tình đồng chí đồng đội đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau. Đó là truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng./.



[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, tr 421.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.

[3] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.

[4] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An, 2005, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An (1930-2000), Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh